Các cuộc chiến thương mại của Trump sẽ dẫn tới đâu

Danh sách các quốc gia mà Hoa Kỳ đang có cuộc chiến thương mại ngày càng dài hơn. Đồng thời, danh sách tổn thất do các cuộc xung đột này đối với chính bản thân Mỹ cũng ngày càng dài hơn. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, các chuyên gia quốc tế nói lên ý kiến về ảnh hưởng của các hành động này đến nền kinh tế toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia với các đối tác thương mại lớn nhất, Tổng thống nước này Tayyip Erdogan cho biết. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố như vậy trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Washington lâm vào khủng hoảng.

Ông Erdogan nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận một trật tự thế giới mà ở đó vang lên lời tuyên chiến kinh tế với tất cả các nước, và các quốc gia đang đối mặt nguy cơ bị áp lệnh trừng phạt.

Theo ông Erdogan, trong số các nước mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giao dịch thương mại bằng đồng tiền lira có Nga, Trung Quốc, Ukraina và Iran.
"Nếu các nước châu Âu muốn được giải thoát khỏi áp lực của đồng USD, thì Ankara đã sẵn sàng thiết lập một hệ thống tương tự".

Tayyip Erdogan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Đô la với tư cách là công cụ gây áp lực
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Giáo sư Sadik Unay từ khoa Kinh tế của trường Đại học Istanbul, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (SETA) nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ đang sử dụng các đòn bẩy kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị của họ:

"Mỹ không còn quan tâm đến việc duy trì hình ảnh cũ của mình; nếu Hoa Kỳ có những khác biệt trong chính sách đối ngoại với một quốc gia nhất định, thì ở giai đoạn đầu tiên Washington áp đặt những hạn chế thương mại với nước này, tăng thuế hải quan, tức là sử dụng tất cả các phương pháp có sẵn để gây áp lực kinh tế".

Ông Unay chỉ ra rằng, đồng đô la trong tay của Mỹ là một công cụ áp lực:

"Chúng tôi thấy rằng, Hoa Kỳ thường xuyên gây áp lực lên Trung Quốc thông qua tỷ giá giữa Nhân dân tệ và USD. Trong năm 2015, Mỹ đã áp dụng công cụ tương tự chống lại Nga, khi đó đồng rúp đã bị sụp đổ. Bây giờ họ đang cố gắng sử dụng phương pháp này để ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng, cả Trung Quốc và Nga, cũng như bất kỳ nền kinh tế đang nổi nào khác đều không hài lòng với hệ thống dựa vào đồng đô la Mỹ. Tất cả các cầu thủ đều muốn loại bỏ hệ thống này, nhưng, để thực hiện các giao dịch thương mại bằng đồng tiền quốc gia cần phải thành lập một cơ sở hạ tầng tương ứng với các luồng thương mại và tài chính quốc tế. Có chú ý đến cuộc khủng hoảng trong quan hệ Thổ -Mỹ, Ankara có thể trở thành một trong những nước chủ động nhất về vấn đề này. Nếu những nỗ lực trong việc tạo ra một giải pháp thay thế cho hệ thống đô la mang lại kết quả, thì số nước muốn tham gia hệ thống mới sẽ tăng lên đáng kể".
"Tôi cho rằng, trong tương lai, giao dịch thương mại bằng đồng tiền quốc gia và các cơ chế trao đổi như vậy sẽ phát triển tích cực hơn, và các nước sẽ từ bỏ đồng USD". Tất nhiên, không nên chờ đợi rằng, sự thống trị của đồng đô la sẽ bị loại bỏ trong tương lai gần, nhưng, tôi tin rằng, các nước BRICS và tất cả các quốc gia đang phát triển khác đều muốn củng cố thương mại quốc tế và sẽ đưa ra những sáng kiến để giải tỏa áp lực từ đồng đô la".
Sadik Unay, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội (SETA)
Theo chuyên gia, một số tình huống khác thường được gọi là khủng hoảng kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại gây ra sẽ có tác động tiêu cực đối với hệ thống kinh tế Mỹ, nhưng, Washington sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này bằng những biện pháp phi kinh tế.
"Tất nhiên, suy thoái trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, nhưng, Hoa Kỳ cho rằng, họ có thể bù đắp thâm hụt này bằng cách gây ra đối đầu, kích động các cuộc xung đột khu vực ở một số nơi trên thế giới, chủ yếu ở khu vực Trung Đông, chủ yếu để tăng cường sản xuất vũ khí và củng cố ngành năng lượng của Mỹ.

Nói chung, đặc trưng của Mỹ là chính sách đối ngoại hiếu chiến, trong đó việc sản xuất vũ khí quy mô lớn bảo đảm sự tăng trưởng của các ngành công nghệ cao. Tình hình này tạo ra nguy cơ đe dọa các nước đang phát triển, bởi vì nếu tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, thì các nền kinh tế đang phát triển, chủ yếu ở Trung Quốc, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất".
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc tác động gì tới Mỹ?
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại mà Trump đang tiến hành chống lại Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính Hoa Kỳ, chủ yếu cho các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.
Hoạt động kinh doanh của Mỹ trở nên phức tạp hơn
Nhiều công ty Hoa Kỳ đang có mặt trên thị trường Trung Quốc dưới hình thức xí nghiệp liên doanh với các đối tác địa phương, hoặc dưới hình thức chi nhánh. Năm ngoái, thu nhập của họ ở Trung Quốc đạt 500 tỷ USD. Tổng giá trị tài sản của các công ty này là 600 tỷ USD. Theo dữ liệu của FactSet Research Systems Inc., năm ngoái Trung Quốc đã tạo ra 19% doanh thu của Apple, 24% doanh thu của Intel, 65% doanh thu của Qualcomm, 20% doanh thu của Starbucks. Đồng thời, theo luật pháp Trung Quốc, để rút tiền thu được từ Trung Quốc phải có sự chấp thuận của cơ quan tài chính địa phương. Về nguyên tắc, Trung Quốc dễ có thể làm phức tạp các thủ tục chuyển tiền qua biên giới.

Một con át chủ bài khác trong tay Trung Quốc là kim loại đất hiếm - tập hợp của 17 nguyên tố hóa học, mà nếu không có chúng thì không thể sản xuất màn hình điện thoại thông minh, bo mạch chủ, và các sản phẩm công nghệ cao khác. Và Trung Quốc nắm giữ trong tay 90% sản lượng đất hiếm toàn thế giới. Các tập đoàn công nghệ cao rất lo ngại rằng, Trung Quốc có thể thắt chặt hạn ngạch xuất khẩu đối với nguyên liệu này, và quyết định đó sẽ tác động đến những chuỗi cung ứng đã được thành lập để sản xuất điện thoại thông minh.

Mặc dù Mỹ có thâm hụt thương mại trị giá 375 tỷ USD với Trung Quốc, tình hình trong lĩnh vực dịch vụ là khác hẳn. Trong năm qua Mỹ đã xuất khẩu dịch vụ cho Trung Quốc trị giá 58 tỷ USD, nhưng, trị giá dịch vụ được nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là 18 tỷ USD. Đặc biệt là, hơn một nửa số tiền này, theo báo cáo của Cục phân tích kinh tế, là các dịch vụ giáo dục và du lịch. Chính quyền Trung Quốc cũng có thể gây thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch của Hoa Kỳ. Ngay hiện nay lượng khách du lịch từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ đã giảm đáng kể.
Tất nhiên, chính quyền Trung Quốc có những đòn bẩy hành chính để ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh của Mỹ ở nước này. Nhưng, giới kinh doanh Mỹ bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi các sắc thuế của Hoa Kỳ, và điều đó xảy ra mà không có sự tham gia của chính quyền Trung Quốc, nhà nghiên cứu Liu Ying của Viện nghiên cứu Tài chính Chongyang (Trung Quốc) nói với Sputnik.
"Trong danh sách của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế ở Mỹ, hơn 73% là các bộ phận sản phẩm cho các hãng Mỹ, tức là không chỉ Trung Quốc mà cả chính Hoa Kỳ cũng phải gánh chịu gánh nặng do những cấm vận này. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công bố một báo cáo cho biết rằng, trong mỗi ngành công nghiệp Trung Quốc, 5 doanh nghiệp hàng đầu đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và trong tổng số 28 ngành công nghiệp chính, vốn đầu tư nước ngoài chiếm đa số trong 21 ngành. Ngành thủy tinh, ngành sản xuất thang máy - tất cả đều được kiểm soát bởi các công ty nước ngoài. Trong số 18 doanh nghiệp lớn nhất sản xuất đồ gia dụng, 11 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. 150 doanh nghiệp mỹ phẩm và 20% ngành dược phẩm - tất cả đều nằm trong tay doanh nhân nước ngoài".

Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng, lệnh áp thuế của Mỹ mang lại kết quả, ông dọa áp thuế nặng đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh không nhượng bộ trong thương mại và chính sách công nghiệp. Nhưng, liệu các cuộc chiến thương mại có thể thực sự giúp ông làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại?
"Trên toàn thế giới có nhu cầu về hàng hóa từ Trung Quốc. Tất nhiên, Trung Quốc có thể tìm được những thị trường khác cho các sản phẩm của mình, dù tìm được một thị trường lớn như Mỹ thì khó có thể. Khả năng của Trung Quốc mở rộng thị trường bán hàng bị hạn chế bởi vì Hoa Kỳ là quốc gia tiêu thụ lớn nhất thế giới, và tác động của họ đến Trung Quốc là đáng kể, bởi vì không có thị trường nào khác sánh được với thị trường Mỹ. Mặt khác, cần phải thừa nhận rằng, Mỹ cũng không thể tìm được một thị trường tương tự như thị trường Trung Quốc để bán các sản phẩm của họ".
Wang Zhimin
Giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa và Hiện đại hóa tại Viện Kinh tế và Ngoại thương của Trung Quốc
"Chiến lược của Tổng thống Trump, khi ông sử dụng những mối đe dọa, lệnh trừng phạt, áp thuế nhập khẩu và áp lực ngoại giao đối với các nước khác và hy vọng sẽ "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" bắt đầu hứng chịu thất bại. Không chỉ các đối thủ chính của Mỹ trong cuộc chiến thương mại toàn cầu - Trung Quốc và Liên minh châu Âu - không chịu đầu hàng, bây giờ có thêm các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng bắt đầu thành lập một liên minh kinh tế chống Mỹ. Trump đã làm một điều dường như không thể làm được – các đối thủ của Bắc Kinh đã sẵn sàng đứng về bên Trung Quốc. Chính quyền Washington đang mất đi những người bạn và có thêm những kẻ thù, và điều này có thể dẫn đến kết quả đáng buồn".
Ivan Danilov
Nhà phân tích độc lập của Nga
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, chuyên gia về các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế của Việt Nam, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự phá sản trong chiến lược toàn cầu mà Mỹ đang tự cho mình đóng vai trò dẫn đầu: "Sự dẫn đầu của Mỹ là một "sự dẫn đầu ảo" chỉ dựa trên đồng dollar mà chỉ có Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là nơi duy nhất có quyền in ấn. Một khi các nước trao đổi với nhau bằng dòng tiền của mình mà "phớt lờ" dollar thì sự dẫn đầu của Mỹ thông qua đồng dollar sẽ kết thúc. Tất nhiên là người Mỹ còn nhiều biện pháp để cứu vãn vai trò "đứng đầu thế giới" của họ. Song với sự trưởng thành bất chấp cấm vận của nền kinh tế Nga (do nó dựa trên sản xuất là chủ yếu chứ không phải buôn bán) cũng như nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế Nhật Bản, nền kinh tế EU, nền kinh tế Ấn Độ và nhiều nền kinh tế lớn khác, thời kỳ thống trị của đồng dollar sớm muộn sẽ kết thúc".

Chuyên gia Vyacheslav Kholodkov của Viện nghiên cứu chiến lược Nga nhận xét: "Mọi người trên thế giới bắt đầu nhận thức được rằng, chừng nào Trump tiếp tục chiến lược "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", những nước khác không thể ngồi yên. Các đối tác kinh tế chính của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương - Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia đang thảo luận về khả năng thành lập một khối kinh tế mới với Trung Quốc. Mới gần đây ý tưởng như vậy là không thể tưởng tượng được. Một liên minh thương mại châu Á mới có thể được thành lập vào cuối năm nay. Mỗi nước thành viên của Liên minh mới này dễ bị tổn thương ở các mức độ khác nhau trước chiến dịch trừng phạt kinh tế mà Washington đang che giấu dưới lớp vỏ bọc thuế quan, nhưng, nếu các quốc gia này phối hợp hoạt động cùng nhau thì sẽ tạo nên sức mạnh đủ để gây ra thiệt hại lớn cho các công ty Mỹ. Kết quả là, tình hình có thể phát triển theo cách mà Washington sẽ đối đầu với phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến thương mại".
Iran tiếp tục đấu tranh chống lệnh cấm vận dầu thô
Ки Những công ty Trung Quốc mua dầu thô Iran bắt đầu chuyển sang dùng tàu chở dầu của chính Iran, thuộc sở hữu National Iranian Tanker Co (NITC), để né lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Tehran.

Điều này cho thấy rằng, Trung Quốc, nước lớn nhất tiêu thụ dầu mỏ của Iran, dự định tiếp tục mua dầu thô từ nước này bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Có chú ý đến việc Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, bao gồm dầu đá phiến sét của Mỹ, Bắc Kinh có thể sử dụng vấn đề Iran như một đòn bẩy để gây áp lực lên Hoa Kỳ, chuyên gia Ji Kaiyun, hiện làm việc tại Đại học Tây Nam, Trung Quốc, nói với Sputnik.

"Dầu thô của Iran là rất quan trọng đối với Trung Quốc, hai nước bổ sung cho nhau trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng, Iran phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, vì Tehran khó tìm được một thị trường khác cho các sản phẩm của mình, còn Trung Quốc vẫn có thể mua dầu thô ở những nước khác. Ngoài ra, cả Trung Quốc và Iran hiện đang đối đầu với Hoa Kỳ. Do đó, không có lý do gì để hai nước này từ chối hỗ trợ lẫn nhau. Ở một mức độ nhất định, hoạt động giao thương dầu thô của Trung Quốc với Iran là cuộc tẩy chay Mỹ, nước vi phạm các quy định của WTO".
Trong bài bình luận cho Sputnik, chuyên gia Iran về năng lượng Seyed Saeed Mirtorabi nhận định rằng, trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran đang sử dụng những hình thức khác để thanh toán các hợp đồng quốc tế - thanh toán bằng tiền tệ khác hoặc trao đổi hàng hóa, đặc biệt là Iran đã thu lượm những được kinh nghiệm trong lĩnh vực này trong thời gian cuộc chiến tranh với Iraq.
"Những chi tiết của kế hoạch này phụ thuộc vào việc Iran đang đối tác với những nước nào cũng như vào dự trữ vàng của những nước này. Trong khi nền thương mại thế giới vẫn phụ thuộc vào đồng đô la, Tehran sẵn sàng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng theo công thức đổi dầu lấy đồng USD. Nhưng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến Iran khó có thể thực hiện các giao dịch bằng đồng đô la. Trên thực tế, các quốc gia bị trừng phạt kinh tế chủ trương giao dịch thương mại bằng các đồng tiền khác hoặc thực hiện các giao dịch hàng đổi hàng. Bây giờ các giao dịch được thực hiện bằng đồng euro hoặc bằng đồng tiền quốc gia. Về các giao dịch hàng đổi hàng, Iran đã thu lượm những kinh nghiệm trong lĩnh vực này trong thời gian cuộc chiến với Iraq. Chúng tôi đã đổi dầu thô lấy hàng hóa. Chúng tôi cũng đã giao dịch thương mại với các nước phát triển, ví dụ, với Nhật Bản, cũng như với các nước đang phát triển".
Theo chuyên gia, kể từ những năm 2000 trong nền thương mại thế giới đã ghi nhận xu hướng dùng vàng như một phương tiện thanh toán. Bây giờ một số quốc gia dùng phương tiện thanh toán này vì họ đã mất niềm tin vào đồng đô la như một loại tiền tệ thế giới.
Từ bỏ đồng USD trong thương mại dầu mỏ?
Vào tháng Sáu, các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới ghi nhận rằng, trên thế giới đã bắt đầu quá trình phi đô la hóa, và đây là xu thế không thể dừng lại. Nếu các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới từ bỏ đồng đô la thì điều đó sẽ thúc đẩy quá trình thay đổi hệ thống tài chính và sẽ củng cố xu hướng toàn cầu - phi đô la hóa.

Liệu các nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất ở các nước vùng Vịnh có sẵn sàng từ bỏ đồng đô la không?
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Abdel Aziz al Arayar, thành viên Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh cho biết rằng, các nước Ả Rập không có nhu cầu từ bỏ đồng đô la: "Theo tôi, các quốc gia vùng Vịnh không có nhu cầu thanh toán bằng đồng tiền quốc gia: đồng rial, đồng dinar hoặc đồng dirham trong thanh toán thương mại quốc tế. Đồng tiền quốc gia của các nước này đều rất mạnh và phụ thuộc vào đồng đô la. Trên thế giới có rất nhiều đơn vị tiền tệ quốc gia. Điều quan trọng nhất - đồng tiền này phải được công nhận trên thế giới và phải được bảo đảm bằng nền kinh tế mạnh", - chuyên gia Saudi nói.

Về phần mình, giáo sư khoa học chính trị học tại Đại học Qatar Ali al Heil đã nói với Sputnik rằng, các nước vùng Vịnh phụ thuộc vào đồng đô la với mức độ khác nhau. "Ví dụ, đồng dinar của Kuwait không lệ thuộc vào đồng đô la. Nhờ đó, quốc gia này rất tích cực ủng hộ ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ chung trong Vịnh Ba Tư. Còn đồng tiền quốc gia của các nước khác trong khu vực này đã trở thành "con tin" của đồng đô la".

"Ước mơ về đồng tiền dinar chung đã từ lâu xuất hiện ở vùng Vịnh Ba Tư. Trong nhiều năm liền người dân của các nước này ủng hộ ý tưởng phát hành đồng tiền chung và bãi bỏ biên giới quốc gia để di chuyển tự do", - ông Ali al Heil nhận xét.

Theo chuyên gia, nếu xuất hiện một đơn vị tiền tệ chung, điều này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ít nhất 30%. Nhiều vấn đề kinh tế sẽ tự biến mất.

Chuyên gia kinh tế Ai Cập Muhammed Abdel Jawad nhận xét rằng, nếu các quốc gia vùng Vịnh thống nhất ý kiến về nội dung này thì họ có thể tìm cách từ bỏ đồng đô la.
"Một nước riêng lẻ khó có thể từ bỏ đồng đô la. Nhưng, nếu tất cả các nước vùng Vịnh cùng nhau quyết định làm như vậy, nếu họ phát hành một loại đồng tiền chung, thì điều này sẽ có một hiệu ứng rất lớn và sẽ thúc đẩy tiến bộ. Bước này sẽ đưa vùng Vịnh Ba Tư lên vị trí lãnh đạo kinh tế thế giới". "Các nước châu Âu đã thống nhất lại và thành lập Liên minh châu Âu bao gồm 42 ngôn ngữ, các tôn giáo khác nhau, các quan điểm chính trị khác nhau, những chế độ quân chủ và cộng hòa. Và họ đã tạo ra đồng tiền chung - đồng euro đang cạnh tranh thành công với đồng đô la và thường bỏ qua nó".
«Nếu các nước vùng Vịnh tạo ra một đồng tiền chung, thì đồng đô la sẽ "run rẩy»
ông Muhammed Abdel Jawad nói.
Các chuyên gia cho rằng, sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính thế giới sẽ giảm đi. Và các biện pháp trừng phạt và áp lực kinh tế của Mỹ gây ra các vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu có thể dẫn đến việc: vấn đề sửa đổi toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.

Tóm lại, sai lầm lớn nhất của Trump là khẩu hiệu của ông "America First" (Đặt nước Mỹ lên trước) nay đổi là "America Alone" (Nước Mỹ Cô độc).
Made on
Tilda