Việt Nam trong mắt
nữ phóng viên Sputnik
Sputnik Vietnam
Hà Nội, Bát Tràng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu, Củ Chi ... Đó là sơ lược hành trình của nữ phóng viên Sputnik Vietnam thăm Việt Nam trong chuyến đi khảo sát thực địa mà Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức dành cho các nhà báo Nga.

Sputnik giới thiệu bộ ảnh cho thấy những gì ở Việt Nam đã hấp dẫn khiến phóng viên Nga kinh ngạc đến thế.
Ngày nghỉ cuối tuần ở
Hà Nội
Nếu bạn hỏi một người Việt bất kỳ – nên đến Hà Nội vào khoảng thời gian nào trong năm là tốt nhất - thì nhiều khả năng là anh ấy hay cô ấy sẽ khuyên bạn hãy đến thủ đô Việt Nam vào mùa thu. Thời tiết lý tưởng cho các chuyến đi dạo xa thoải mái không vội vàng, nhiệt độ vừa phải, những khóm cây nở hoa tươi thắm, những cánh lá vàng từ trên cao nhẹ rơi…
Không phải bỗng dưng mà giai đoạn này được gọi là lãng mạn nhất, được hát lên thành lời trong những khúc ca và là nguồn thi hứng cho những bài thơ. Chính vào thời điểm này phóng viên Sputnik đã có cơ duyên đến với thủ đô Hà Nội.
Điểm cộng chính của ngày nghỉ cuối tuần ở Hà Nội là phố đi bộ trong khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Khi có thể thong thả đi dạo yên bình, chiêm ngưỡng di tích thắng cảnh và tận hưởng không khí trong lành ngay giữa trung tâm thủ đô. Có cảm giác là vào dịp cuối tuần, toàn dân Hà Nội với cả gia đình đều chọn phương án dạo chơi ở trung tâm. Quanh ta lan tỏa bầu không khí thân thiện, các du khách chụp ảnh trên cây cầu Thê Húc, trẻ em chơi đùa và chạy xe trượt, những người bán hàng rong mời chào món đặc sản ngon lành của địa phương.
Thời gian trôi qua không ai nhận thấy, và đến chiều tối, người đổ về trung tâm ngày càng đông hơn, mọi thứ xung quanh lung linh trong ánh đèn màu và thành phố như đắm mình hoàn toàn trong bầu không khí của lễ hội nhỏ nào đó.
Cầu Thê Húc trên hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm trong ánh chiều buông
Nhà cổ trên phố Mã Mây
Đền Thủy Trung Tiên (Cẩu Nhi) trên hồ Trúc Bạch
Nhà hát lớn Hà Nội
Trẻ em vui chơi trên núi Ngọc Bội bên hồ Hoàn Kiếm
Trẻ em chạy xe có điều khiển trên phố đi bộ gần hồ Hoàn Kiếm
Cư dân và du khách dạo chơi trên phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm buổi tối
Left
Right

Làng gốm Bát Tràng
Một trong những điểm du lịch nổi tiếng và được ưa chuộng nhất ở Hà Nội là làng gốm Bát Tràng. Tất cả các ngôi nhà và cửa hàng trong làng đều la liệt tầng tầng lớp lớp những sản phẩm gốm sứ thích hợp với mọi sở thích và túi tiền.

Dành cho các nhà báo Nga, ở đây đã chuẩn bị không chỉ một tour du lịch thông thường. Trong chuyến thăm làng nghề, phóng viên Sputnik được mời thăm công ty của một doanh nhân-nghệ nhân gốm là hậu duệ đời thứ bẩy của dòng họ nổi tiếng - Lê Huy.

Thật đáng kinh ngạc bởi hầu như toàn bộ dân làng đều làm nghề gốm, nhưng lại không hề cảm thấy bất kỳ sự bon chen cạnh tranh nào ở đây. Ở làng nghề này đâu đâu cũng là bầu không khí bình yên và thân ái.

«Mỗi người đều có hướng làm việc riêng của mình, vì thế chúng tôi không cạnh tranh, mà trái lại, chúng tôi cố gắng hỗ trợ lẫn nhau»
— nghệ nhân Lê Huy nói với nhà báo của Sputnik.
Để tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm địa phương, phóng viên Sputnik đã tới thăm một trong những phòng trưng bày kiêm cửa hàng ở làng nghề độc đáo này.

Đó là một công ty gia đình, người chồng là anh Trần Đức Tân đảm trách làm đồ gốm mộc còn chị Nguyễn Thu Hằng vợ anh chuyên vẽ tranh thư pháp. "Đồ gốm của chúng tôi hàm chứa kết hợp các thành tố nghệ thuật truyền thống và đương đại", - chị Thu Hằng giải thích với phóng viên Sputnik. "Chúng tôi còn tham gia cuộc triển lãm ở thủ đô Nga, trong quần thể "Hà Nội-Matxcơva" nữa đấy", - chị vui vẻ cho biết.
Hằng thừa nhận rằng công ty có một lượng khách quen nhưng những người như vậy còn ít và chủ yếu là tư nhân. Trước đây, một phần sản phẩm đáng kể được xuất khẩu sang hơn 40 nước nhưng sau cuộc khủng hoảng 2007-2008, phần lớn các doanh nghiệp chuyển định hướng vào thị trường nội địa.

Phóng viên của Sputnik đã có dịp quan sát chu trình làm việc trong xưởng gốm gia tộc Lê Huy, chứng kiến vòng quay để cho ra đời sản phẩm gốm sứ. Đặc điểm nổi bật chủ yếu là làm thủ công khiến cho mỗi sản phẩm đều có chất độc đáo nhất định và những đường nét dáng vẻ không hề lặp lại.
Sản xuất Cơ sở gốm sứ mỹ nghệ Huy Hằng
Ngôi nhà gia tộc Lê Huy tọa lạc ở chính giữa thị trấn cổ.

Đó là ngôi nhà lớn đã trăm năm tuổi mang phong cách thuộc địa với ban công trang trí họa tiết cầu kỳ mang từ Pháp sang. Hiện nay, trong ngôi nhà "đế chế gốm" của dòng họ Lê được chính thức công nhận, bà Nguyễn Thị Lâm niềm nở tiếp đón du khách từ những đất nước khác nhau tới thăm, bà ân cần dạy họ cách nấu những món ăn Việt Nam truyền thống. Bởi bà rất tự hào được mang danh hiệu "Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật ẩm thực làng nghề Việt Nam".
Liền đó, các vị khách có dịp thưởng thức những món ăn ngon của làng quê này, tất nhiên được bày biện đẹp mắt trên bát đĩa gốm Bát Tràng.
Dù bạn từ quốc gia gần hay xa nào đến thăm Việt Nam, làng nghề Bát Tràng luôn là địa chỉ không thể bỏ qua. Tới thăm ngôi làng ven sông Hồng, ta sẽ không chỉ được ngắm nhìn cảnh vật và trải nghiệm nét độc đáo của đời sống Việt, mà còn để mua sắm vật dụng và đồ lưu niệm nữa, bởi đơn giản là bạn sẽ chẳng thể nào tay không mà rời khỏi nơi này.
Bến Tre - thủ phủ dừa của Việt Nam
Từ TP Hồ Chí Minh đi về phía nam 85 km sẽ đến tỉnh Bến Tre ở vùng châu thổ sông Mê Kông, nổi tiếng khắp thế giới bởi những vườn dừa xanh mướt.

Dừa là thứ gắn bó tự nhiên không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của các cư dân ở đây và đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của Bến Tre. Tỉnh với thành phố và các thị trấn nằm rải rác trên những "hòn đảo" nổi giữa sông và kênh rạch, thu hút du khách từ mọi nẻo địa cầu. Chính nơi đây là quê hương của món kẹo dừa Việt Nam trứ danh.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã tổ chức tour tham quan trong tỉnh để giới thiệu với các nhà báo Nga những nơi đẹp nhất và kể về cuộc sống ở "thiên đường dừa" này.


Điểm đầu tiên trong hành trình của chúng tôi ở tỉnh Bến Tre là làng quê huyện Giồng Trôm. Từ lâu ở Bến Tre đã có nghề sản xuất gạch ngói bằng đất sét được lấy lên từ đáy sông. Tất nhiên, cùng với quá trình phát triển công nghiệp, lối làm ăn truyền thống đang dần lui về quá khứ, mặc dù những chiếc lò nung vẫn có thể thấy đang hoạt động ở đây, nhưng là để thực hiện đơn đặt hàng riêng.

Một điển hình khác về sản xuất truyền thống ở tỉnh Bến Tre là dệt chiếu cói. Những người thợ địa phương cần mẫn làm ra những tấm chiếu trên khung dệt tay.
Nhà báo Nga thán phục nghe kể về những công năng đa dạng đặc biệt của cây dừa, được người dân Bến Tre tận dụng trong sản xuất truyền thống thân thiện với môi trường và không lãng phí. Nước dừa là thứ đồ uống giải khát ngon lành bổ dưỡng. Từ cùi dừa già cho dầu dừa sóng sánh để chị em gội mái tóc óng dài hoặc thậm chí nấu thành loại xà phòng giặt mà không hại da. Vỏ dừa khô là nhiên liệu đốt bếp lò, làm phân bón hoặc nhờ những bàn tay khéo léo làm thành món quà lưu niệm đặc sắc bán cho du khách. Thân dửa khi hạ xuống biến thành cây cầu bắc qua kênh rạch. Điển hình ngọt ngào nhất từ dừa là sữa dừa trắng chiết xuất từ cùi dừa nạo đem chế biến thành kẹo. Mỗi ngày, những xưởng kẹo nhỏ ở đây đón hàng trăm du khách đến tham quan và ai cũng háo hức làm quen với thao tác sản xuất địa phương rồi mua về những thành phẩm hoàn chỉnh ngon lành.
Làm kẹo dừa truyền thống
Làm kẹo dừa truyền thống
Làm kẹo dừa truyền thống
Làm kẹo dừa truyền thống
Làm kẹo dừa truyền thống
Làm kẹo dừa truyền thống
Left
Right
Tỉnh Bến Tre nổi tiếng là một trong những vùng dân cư trù phú của miền Nam Việt Nam, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi phóng viên Sputnik rời nơi đây chẳng những với đầy ắp ấn tượng đậm nét từ chuyến tham quan thú vị mà còn thật hài lòng no nê những món ăn ngon. Đi thuyền dọc theo dòng sông, các vị khách của tỉnh được mời nếm đủ hương vị tươi ngon của cây trái cây vùng quê như mít, bưởi, nhãn và chôm chôm, và tất nhiên, được uống nước dừa mát lành. Trong bữa trưa, du khách được thưởng thức món cuốn tươi với cá goura - cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng.
Món cá tai tượng đãi khách
Chia tay sau chuyến tham quan, các đại diện hiếu khách của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bến Tre đã trao tặng đoàn nhà báo Nga nhiều loại trái cây địa phương khác nhau. Kỷ niệm về xứ dừa Bến Tre của Việt Nam sẽ mãi tươi xanh trong ký ức các vị du khách Nga.
Củ Chi - thành phố ngầm của du kích trong lòng đất Việt
Điểm đến tiếp theo trong chương trình khảo sát thực địa dành cho các nhà báo Nga là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất, di sản của Chiến tranh Việt Nam – Địa đạo Củ Chi, do các du kích Việt Nam tạo nên. Hiện nay, một tổ hợp bảo tàng tương tác đã được trang bị dành cho các du khách trong các đường hầm.
Địa đạo Củ Chi là hệ thống đường hầm ngầm 3 tầng cấp phân nhánh, do các chiến sĩ du kích địa phương đào khoét xây dựng hầu như hoàn toàn bằng tay, với sự trợ giúp của những thiết bị cơ bản thô sơ để chiến đấu chống quân Mỹ xâm lược. Trong đường hầm có đủ khu sinh hoạt, bếp, nhà kho, trạm xá, trụ sở chỉ huy, xưởng chữa súng… và đạt tới độ sâu từ 10 đến 12 mét. Những khúc đường đi chật hẹp đến nỗi một người vóc dáng phương Tây khó lòng vượt qua. Lối vào các đường hầm được ngụy trang cẩn thận, cũng như hệ thống thông gió, trông bên ngoài giống như đụn mối tự nhiên. Người Việt Nam bảo vệ kỹ lưỡng "thành phố ngầm" của mình với sự hỗ trợ của vô số bẫy khác nhau, như các vị khách được thấy trong chuyến tham quan.
Trong tổ hợp bảo tàng đặc biệt này lắp đặt những thiết bị tương tác dành cho du khách thử nghiệm như xưởng may quần áo và xưởng sản xuất dép từ lốp xe. Nếu muốn, có thể mua những thứ đã làm được như món quà lưu niệm.
Điểm thu hút chính của khu tổ hợp này đương nhiên là những đường hầm dưới lòng đất, và hiện nay bất cứ ai cũng có thể cố gắng chui xuống tự mình khám phá địa đạo kỳ bí này. Tuy nhiên, như lời kể của hướng dẫn viên, một phần đường hầm năm xưa đã được mở rộng thêm để tạo tiện lợi cho các vị du khách.
Hướng dẫn viên mời nhà báo Nga chui xuống hầm và vào vai một nữ du kích Việt Nam, len lỏi qua đường hầm dài 15 mét. Bên trong địa đạo rất tối, ngột ngạt và ẩm ướt, chắc hẳn không hoan nghênh những ai bị chứng sợ không gian đóng kín hay yếu tim và có bệnh về đường hô hấp. Sau đó, hướng dẫn viên nêu 2 phương án tùy chọn: hoặc chui lên khỏi hầm và tiếp tục chuyến tham quan xuyên qua rừng rậm hoặc là trườn bò thêm chừng 50 mét nữa dưới lòng đất âm u.
Thử hình dung xem các du kích Việt Nam đã phải sống như thế nào trong những đường hầm này hồi chiến tranh, phóng viên Sputnik quyết định đi xa thêm trong lòng địa đạo (nói đúng hơn là bò). Đoạn đường hầm đặc biệt này khó khăn nặng nề nhất, nhưng đồng thời cũng là thử thách sắc nét nhất tạo bao cảm xúc không quên về chuyến tham quan này!

Trên lối ra của tổ hợp có một triển lãm nhỏ trưng bày chiến lợi phẩm – đó là các thiết bị quân sự Mỹ mà du kích thu được, ở trung tâm triển lãm là chiếc máy bay vận tải C-130 kềnh càng.
Máy bay C-130 số hiệu 005
Thiết bị quân sự trên lãnh thổ khu địa đạo Củ Chi
Thiết bị quân sự trên lãnh thổ khu địa đạo Củ Chi
Xe tăng M48
Left
Right
Không ngẫu nhiên khi nói rằng địa đạo Củ Chi là di tích thú vị nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại, được công nhận trên khắp thế giới như là biểu tượng của khí phách ngoan cường và sức mạnh tinh thần của nhân dân Việt Nam.
Hôm nay vẫn thật khủng khiếp khi tưởng tượng ra những điều kiện kinh hoàng mà các chiến sĩ du kích Việt Nam đã sống và chiến đấu. Nhưng chính hệ thống địa đạo thực sự là một trị trấn ngầm dưới lòng đất này đã đóng vai trò quan trọng trên con đường tới chiến thắng tất yếu.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Không chỉ đơn thuần là khu nghỉ dưỡng
Điểm đến tiếp theo trong chương trình thực địa báo chí là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với thủ phủ là thành phố duyên hải Vũng Tàu. Đây không chỉ đơn giản là khu nghỉ mát nổi tiếng giữa các cư dân của thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là một trung tâm hải cảng lớn, cũng như trung tâm công nghiệp và dầu mỏ ở miền Nam Việt Nam. Ngày nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được xem là một trong những tỉnh có mức đầu tư hấp dẫn và phát triển nhanh nhất ở miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc gặp làm việc với phóng viên Sputnik, bà Huỳnh Thanh Thảo Phó GĐ Sở Ngoại vụ cho biết trong tỉnh có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 8500 hec-ta. Tại đây phát triển nhanh nhất là du lịch, công nghiệp, hậu cần, nông nghiệp và thủy hải sản, cũng như ngành công nghiệp công nghệ cao.

Cần nói ngay rằng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nổi tiếng với người Nga ngay từ thời Xô-viết. Chính ở đây có cơ sở là đối tượng của niềm tự hào về quan hệ hợp tác song phương – XNLD Vietsovpetro. Hôm nay trong tỉnh có gần 3.000 người Nga sống và làm việc. Tỉnh còn duy trì quan hệ mật thiết với Cộng hòa Bashkortostan cũng như với những khu vực khác của Liên bang Nga, như với, Rostov-na-Donu và Khu Tự trị Nenets. Theo dữ liệu mới nhất, trên địa bàn tỉnh chính thức đăng ký 6 dự án đầu tư của Nga, với tổng vốn đầu tư 80,4 triệu USD trong các lĩnh vực như dầu khí, du lịch và sửa chữa máy bay trực thăng.


Tỉnh dành nhiều quan tâm phát triển du lịch, khai thác ưu thế 300 km bờ biển, cảnh quan tuyệt đẹp, người dân địa phương hiếu khách cùng nhiều điểm tham quan và di tích lịch sử.

Phóng viên Sputnik nán lại Vũng Tàu hai ngày để được thấy mình như một du khách thực thụ và trải nghiệm đầy đủ những nét đặc biệt của thành phố biển đẹp như tranh vẽ này.

Tới Vũng Tàu, trước tiên nên ghé thăm một biểu tượng hiện đại của thành phố - tượng Chúa Kitô. Pho tượng Chúa khổng lồ 32 mét đứng cao chót vót trên ngọn Núi Nhỏ, năm 2012 được xác nhận là tượng Chúa Kito lớn nhất khu vực châu Á. Ngày nay đã không thể hình dung Vũng Tàu mà thiếu pho tượng với tư thế dang rộng đôi tay khá lạ đối với châu Á, giống như pho tượng ở Rio de Janeiro.
Trèo lên đến chân tượng không hề dễ dàng bởi phải qua 800 bậc thang. Và còn 100 bậc phải đi trong chính bức tượng đó, để tới được bàn tay của Chúa Kitô, nơi có đài quan sát, từ đó ta sẽ có cái nhìn bao quát khắp vùng bờ biển tuyệt vời này.
Chiêm ngưỡng cảnh vật từ ngọn đèn biển hải đăng.

Thật thú vị là ngọn hải đăng này cho đến nay vẫn hoạt động và giúp tàu bè định hướng trong bóng tối.

Tiếp theo, nhất định nên có chuyến đi dạo quanh thành phố với những tòa biệt thự xinh đẹp được xây dựng theo phong cách thuộc địa Pháp như tòa Bạch Dinh.
Đây là dinh thự cũ của Thống đốc Đông Dương thuộc Pháp, nơi nghỉ biển của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngày nay biệt thự đã trở thành Viện Bảo tàng và là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở Vũng Tàu.
Không đáng ngạc nhiên khi ở địa phương vùng duyên hải của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với biển và nghề đánh cá có đền thờ Cá Ông, vị thần bảo trợ của ngư dân và tàu bè ở Vũng Tàu (Lăng Ông Nam Hải). Người dân xứ biển tin rằng cá voi bảo vệ tàu thuyền khỏi bão táp và mùa đánh bắt may mắn. Trong ngôi đền độc đáo này thậm chí còn lưu giữ một bộ xương cá voi thực thụ.
Buổi chiều, xuất phát từ Bến du thuyền Marina, phóng viên Sputnik lên thuyền thực hiện chuyến dạo chơi trên biển. Có lúc thuyền ghé vào đảo Ngọc và đảo Gò Găng.

Trên hòn đảo thứ hai, cách đây chưa lâu đã khai trương khách sạn sinh thái "Homestay Gò Găng", nơi bất cứ vị khách nào muốn có khoảng yên tĩnh tạm xa cảnh phố phường ồn ào đều có thể nghỉ lại.

Homestay trên đảo Gò Găng và đảo Ngọc
Cuối ngày làm việc, đại diện Sở Ngoại vụ thết mọi người món lẩu cá đuối – đặc sản ẩm thực nổi tiếng của địa phương.
Ngày hôm sau theo kế hoạch là chuyến du ngoạn đến các quận huyện lân cận. Trước hết, phóng viên Sputnik đến Nhà lớn Long Sơn, đền Ông Trần. Hướng dẫn viên cho các nhà báo Nga trong chuyến thăm này là cô Ba - cháu của Ông Trần. Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu) là nhân vật hăng hái đấu tranh chống ách cai trị thuộc địa hồi giao thời thế kỷ 19-20, thành lập cộng đồng Long Sơn ở địa phương. Sau khi ông qua đời vào năm 1935, giáo lý của ông đã trở thành một loại tín ngưỡng địa phương. Công trình xây dựng tòa nhà hoàn thành vào năm 1929, từ năm 1991, ngôi nhà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, không ai sống thường xuyên ở đây nhưng vẫn có nhân viên thường xuyên lui tới để coi sóc và đón tiếp du khách.
Thị trấn Đất Đỏ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là quê hương của một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ngày nay ngôi nhà của Võ Thị Sáu đã thành Bảo tàng, và tại đây có một công viên và đền thờ người con anh hùng.

Cô thiếu nữ Việt Nam can đảm đã trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh cách mạng dũng cảm chống bọn thực dân xâm lược. Sau cuộc hành hình của thực dân Pháp, Võ Thị Sáu yên nghỉ ở Côn Đảo, còn ở quê hương có tượng đài ghi ơn nữ anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cuộc đời thanh xuân của mình vì nền độc lập và tự do của Tổ quốc.

Vinh danh chiến công của các chiến sĩ cách mạng hiện nay còn có Đền liệt sĩ căn cứ Minh Đạm tại Khu di tích lịch sử Minh Đạm. Trên những bức tường của ngôi đền khắc tên những người hy sinh tính mạng cho đất nước và nhân dân. Đền liệt sĩ tọa lạc trên núi, cho đến ngày nay còn nguyên vô số nhiều lối đi và hang động là căn cứ của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời kháng chiến. Hôm nay, một số hang được mở cửa cho công chúng tham quan.
Thành phố Hồ Chí Minh - nơi lịch sử giao hòa cùng hiện đại
Để thực sự hiểu và cảm nhận được Việt Nam mà chỉ đến thủ đô Hà Nội là chưa đủ, bạn phải ghé thăm thành phố Hồ Chí Minh, mà đến giờ nhiều người vẫn quen gọi là Sài Gòn. Thành phố lớn nhất ở miền Nam Việt Nam, được xem như là thủ đô tài chính của đất nước.
So với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị còn khá trẻ, nhưng đồng thời có truyền thống và lịch sử phong phú. Bầu không khí nơi này hoàn toàn khác với ở miền Bắc đất nước. Đây là thành phố lớn hiện đại, nhộn nhịp, đầy nắng ấm, thu hút nhiều du khách đến từ các nước khác nhau mỗi năm. Nơi đây cũng là thủ phủ kinh doanh của quốc gia, với những trung tâm thương mại, cơ sở mua sắm hiện đại và những tòa tháp chọc trời. Tấm danh thiếp của thành phố là những công trình kiến trúc thuộc địa Pháp ở ngay trung tâm – điểm nhấn làm rõ nét độc đáo của Sài Gòn trong số các đô thị Á châu khác.
Giờ đây thành phố Hồ Chí Minh là một trong những khu vực đô thị phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Phóng viên Sputnik đã tận mắt thấy rõ hiện thực sôi động này - việc tu bổ những tòa nhà cũ diễn ra ở khắp mọi nơi. Nhưng điều đó không ngăn cản du khách thưởng thức hương vị và khung cảnh độc đáo của thành phố.
Phóng viên Sputnik bắt đầu hành trình khám phá thành phố từ Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Những hiện vật ở đây kể về lịch sử hình thành và phát triển của đô thị. Bảo tàng có bộ sưu tầm lớn: hiện vật dân tộc học và khảo cổ học, vật dụng đời sống và sản xuất của 4 nhóm dân tộc chính chung sống từ lâu trong cộng đồng thành phố (người Việt - Kinh, người Hoa, người Khmer và người Chăm). Còn có căn phòng dành riêng kể về lịch sử tiền tệ Việt Nam, từ thời đại đồ đồng đến thời hiện đại. Và một phần lớn hiện vật trong triển lãm tái hiện cuộc đấu tranh cách mạng. Ngay gần Bảo tàng có thể thấy các thiết bị quân sự là chiến lợi phẩm nguyên bản.

Viện Bảo tàng đặt trong tòa nhà rất đẹp, kiến thiết từ năm 1890 – thêm một điển hình nữa về phong cách kiến trúc thuộc địa. Không ngẫu nhiên là bây giờ địa điểm này thu hút cả những người quan tâm đến lịch sử, lẫn vô số nhiếp ảnh gia muốn có những bức hình đẹp.

Thiết bị quân sự-chiến lợi phẩm trong Bảo tàng TP Hồ Chí Minh
Thiết bị quân sự-chiến lợi phẩm trong Bảo tàng TP Hồ Chí Minh
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh
Left
Right
Trong khoảng cách có thể đi bộ có nhiều điểm tham quan thú vị khác: Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bưu điện trung tâm, Nhà hát lớn và tất nhiên phải kể đến một trong những tòa nhà dễ nhận biết nhất - Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Mặc dù lối ra vào bên hạn chế chỉ dành cho công vụ nhưng quảng trường đối diện UBND và phố đi bộ Nguyễn Huệ gần đó là nơi nghỉ ngơi dạo chơi truyền thống được cả người Sài Gòn và các vị du khách ưa thích. Đường phố rộng rãi, sạch đẹp với nhiều quán cà phê và nhà hàng, rất thoải mái khi đi bộ ở lúc chiều xuống, khi toàn bộ đường phố tắm mình trong ánh đèn màu rực rỡ.


Một điểm tham quan nữa mà phóng viên Sputnik hướng tới là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đây là nơi rất đáng ghé thăm và chắc rằng sẽ không ai có thể thờ ơ. Hiện vật trong Bảo tàng nói về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong khuôn viên Bảo tàng có đủ loại chiến lợi phẩm: máy bay, trực thăng, xe tăng và những thiết bị quân sự khác của Mỹ.
Bên trong Bảo tàng gồm nhiều phòng, trong đó được trình bày chủ yếu các bức ảnh lưu trữ - các chi tiết gây sốc, kinh khủng về chiến tranh, những hành vi bạo tàn đã diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam. Thật khó kìm nước mắt khi nhìn những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai, hoặc trong gian dành riêng nói về tác hại của chất độc da cam.

Hiểu và cảm nhận sự tàn ác của chiến tranh khiến ta rùng mình, và cánh chim bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình trên biểu hiệu của Bảo tàng như một nhắc nhở tất cả:
Không để tái diễn những sự kiện đó nữa.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị tuyệt vời, nơi mỗi người có thể tìm thấy việc gì đó thích hợp với tâm trạng và sở thích. Thoạt nhìn khá kỳ lạ nhưng thật sự nơi đây hội tụ sự đan xen cân bằng của kiến trúc thuộc địa Pháp, những tòa nhà truyền thống và hiện đại, tạo nên nét duyên dáng độc đáo của thành phố, nơi du khách rời chân mà lòng thầm hẹn ngày trở lại!
Ban biên tập Sputnik Vietnam chân thành cảm ơn Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã dành tặng cơ hội cho phóng viên của chúng tôi sang thăm đất nước thân thiết trong chuyến đi thực địa Việt Nam dành cho các nhà báo Nga.
Made on
Tilda