Không phải bột lọc và tôm, nhưng là bánh lọc
Những món ăn Việt Nam mini, thường được làm theo tỷ lệ 1:18. Có thể nói, đó là những tác phẩm điêu khắc thực thụ. Tác giả của chúng là chị Phan Ngọc Thiên Thanh, 28 tuổi. Công việc chính của chị là visualizer của một công ty quảng cáo. Nghề phụ của chị, như chị nói với Sputnik, là nghệ sĩ đất sét. Nghệ sĩ đất sét này làm những món ăn Việt Nam mini, và cả những góc phố nhỏ của Sài Gòn. Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nghệ sĩ đất sét Phan Ngọc Thiên Thanh về con đường sáng tác cũng như mục đích đam mê của chị.
Sputnik: Chào chị Thiên Thanh! Rất cảm ơn chị đã dành thời gian cho Sputnik. Tôi thấy những tác phẩm chị làm thật độc đáo. Chị có thể chia sẻ với bạn đọc của Sputnik từ đâu mà chị có ý tưởng và cảm hứng sáng tác như vậy?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh:
Ý tưởng thực hiện sản phẩm của mình đến từ những chi tiết đơn giản, dễ dàng bị bỏ qua, hoặc ít người chú ý tới trong cuộc sống thường ngày. Và hầu hết đến từ cảm giác khi mình muốn ăn món gì đó. Ví dụ, như xôi mặn: khi mình muốn làm, điều đầu tiên mình sẽ phải có cảm giác cực kỳ muốn ăn xôi (một cách khơi vị giác"), rồi bắt đầu tìm hình ảnh liên quan, hình thức thể hiện nó như gói bằng lá chuối, lá sen hay để hộp, quan sát chi tiết hạt xôi to hay bé, dính hay rời, và nhớ đến những nguyên liệu, hương vị của món ăn đó bằng trí nhớ của mình. Có điều kiện thì tìm mua món ăn đó ngay để cảm nhận đủ nguyên liệu và đúng hương vị một cách trọn vẹn nhất.
Hãy để cảm giác chân thực tồn tại trong suốt thời gian làm, thì thành công khi ra thành phẩm là nó sẽ mang đến cho người xem một cảm giác ngon mắt.
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh.
Sputnik: Tôi thấy có những món ăn Huế, quê nội của tôi. Rất ấn tượng! Chị làm những món ăn chủ yếu của vùng miền nào? Hay là tất cả những món ăn nổi tiếng của Việt Nam?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh: Mình là người Sài Gòn, là nơi du nhập rất nhiều văn hóa ẩm thực từ các miền đến các nước trên thế giới, nên may mắn được trải nghiệm rất nhiều hình thức ẩm thực mới lạ. Ban đầu mình cũng muốn làm những món nổi tiếng, nhưng dần dần mình thấy có một số món dù cùng một tên, nhưng do cách thể hiện rất riêng của từng vùng miền, thì nó đã mang một cái"hồn"cực kỳ độc đáo theo cách mỗi nơi có. Vì mình thích những trải nghiệm khác so với những gì mọi người hay thấy, nên tùy từng thời điểm, mình sẽ chọn ra cái mình thấy phù hợp nhất để làm, không mặc định phải làm theo khuôn khổ nào, chỉ cần thích là sẽ bắt tay làm ngay.
Ví dụ, chỉ riêng món bánh bèo, cũng có nhiều loại tùy theo vùng miền họ ăn thế nào. Như Huế thì có mắm và ớt rất cay, miền Nam thì có đậu xanh, có nơi lại có sốt sệt ăn kèm như ở Quy Nhơn, đều là những cách tự tạo cho bản thân món ăn tuy cùng tên nhưng cách xuất hiện lại rất đặc biệt và đặc trưng.
Sputnik: Tôi thấy chị làm rất nhiều món ăn dân dã, đường phố. Vì sao chị không làm những món ăn sang trọng mà các nhà hàng thường làm?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh: Các món ăn trên thế giới kể cả Việt Nam đều bắt nguồn từ những nguyên liệu cực kì đơn giản và thô sơ. Thường chúng xuất phát từ những món ven đường, món gia đình mẹ nấu hay những món từ thời chiến tranh tiếp tế quân đội. Theo mình, món ăn sang trọng chỉ là do cách phục vụ, thể hiện, bài trí và đặt, để nó trong môi trường có"không gian" hơn với ánh sáng, đèn, hoa, nhạc.
Và bản thân mình muốn thể hiện nét đặc trưng vốn có của món ăn đường phố Việt Nam. Việt Nam rất nổi tiếng về món ăn dân dã, khắp đất nước. Sự mộc mạc đến từ những cái chén sứ hoa văn hơi mẻ một tí, đến cái nồi nhôm hay nồi đất chuyên dùng để nấu, hay cả cái lò than lò xô thô sơ, kể cả cái ghế,cái bàn cóc cũng rất thu hút mình.

Mình thích thú với không gian đường phố thuần túy,nơi mà đặc biệt vẫn cảm nhận sự quen thuộc, ký ức về tuổi thơ của mình, ký ức về ông bà, cha mẹ mình, đồng thời thấy nét truyền thống lâu đời được truyền tải bằng chính văn hóa và hồn Việt trong sự vốn có của những món ăn đường phố đó.
— Chị Phan Ngọc Thiên Thanh.
Sputnik: Chị có thể chia sẻ với Sputnik chất liệu chị dùng chủ yếu là gì và chị tìm ở đâu?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh:
Chất liệu chính vẫn là đất sét, gỗ, nhựa. Ngoài ra là tất cả những nguyên liệu thật có xung quanh mình. Chúng đều có thể sử dụng, dễ dàng tìm thấy. Việc của mình là có tư duy nhạy bén để dùng đúng và xử lý những chất liệu đó như thế nào để đảm bảo yếu tốt đẹp, ra đúng chất, an toàn và giữ được theo thời gian.

Sputnik: Với "Những món ăn Việt Nam" bé xíu như vậy chị muốn gửi gắm điều gì trong đó?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh:
Thông qua những món ăn, mình muốn truyền tải bản sắc,tính truyền thống, đa dạng nhưng vẫn gần gũi của người Việt. Có thể mở rộng văn hóa, thu hút du lịch của đất nước. Đối với thế hệ trẻ, mình cũng muốn các bạn có thể tăng khả năng quan sát, tính tỉ mỉ và trân trọng những giá trị tinh thần,văn hóa của quốc gia. Đừng đánh mất mà hãy thúc đẩy, phát triển những giá trị đó ngày càng tốt hơn.

Sputnik: Với "Những món ăn Việt Nam" bé xíu như vậy chị muốn gửi gắm điều gì trong đó?
Chị Phan Ngọc Thiên Thanh:

Thông qua những món ăn, mình muốn truyền tải bản sắc,tính truyền thống, đa dạng nhưng vẫn gần gũi của người Việt. Có thể mở rộng văn hóa, thu hút du lịch của đất nước. Đối với thế hệ trẻ, mình cũng muốn các bạn có thể tăng khả năng quan sát, tính tỉ mỉ và trân trọng những giá trị tinh thần,văn hóa của quốc gia. Đừng đánh mất mà hãy thúc đẩy, phát triển những giá trị đó ngày càng tốt hơn.

Made on
Tilda