Lễ Maslenitsa Nga: Truyền thống, bói toán, phong tục và điềm báo trong những ngày này
Cần phải ăn mừng ngày lễ tuyệt vời này như thế nào? Phải chúc mừng nhau như thế nào trong dịp này? Những điềm báo nào cần phải chú ý? Bánh xèo Maslenitsa được rán như thế nào? Trong dịp lễ hội này người Nga bói toán ra sao? Có lẽ tất cả những câu hỏi như vậy sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Maslenitsa là lễ hội dân gian lâu đời nhất đưa tiễn mùa Đông và chào đón mùa Xuân.
Ngày lễ Slavơ cổ đại đến với chúng ta từ văn hóa ngoại giáo và vẫn duy trì sau khi Kitô giáo được nước Nga tiếp nhận. Nhà thờ coi Maslenitsa là một trong những ngày lễ của mình, gọi là Tuần lễ Bơ, vì Maslenitsa rơi vào tuần trước Mùa Chay. Tại thời điểm này, quy chế Nhà thờ không cho phép ăn thịt, nhưng giáo dân sử dụng các sản phẩm sữa (bao gồm bơ) và trứng.
Mối năm, ngày Maslenitsa là khác nhau, tùy thuộc ngày lễ Phục sinh thiêng liêng. Có thể dễ dàng tính được ngày Maslenitsa theo lịch - nó bắt đầu từ 56 ngày trước lễ Phục sinh. Maslenitsa năm 2019 tại Liên bang Nga sẽ trùng ngày 10 tháng 3 và tuần lễ Maslenitsa sẽ bắt đầu từ ngày 4 đến 10 tháng 3 năm 2019.
Lịch sử ngày lễ Maslenitsa
Từ nhiều thế kỷ trước, Maslenitsa là ngày lễ ngoại giáo. Bản chất của ngày lễ này là đưa tiễn mùa Đông và cầu được bội thu trong mùa gieo trồng sắp tới. Món thết đãi chính trong ngày lễ này luôn là bánh xèo – những chiếc bánh tượng trưng cho mặt trời, có ý nghĩa lớn trong ngoại giáo. Thời nước Nga cổ xưa, người dân rán những chiếc bánh xèo màu đỏ.
Trong thời kỳ đầu tiên của mình, nhà thờ chối bỏ Maslenitsa và tìm cách ngăn cản giáo dân ăn mừng ngày này, nhưng do Maslenitsa quá phổ biến và nổi tiếng, nên rốt cuộc giáo hội đã phải thừa nhận nó. Theo lịch của nhà thờ, tuần lễ trước Phục sinh được gọi là Tuần lễ Bơ. Mặc dù với tín đồ Chính Giáo, bản chất của ngày lễ là kiêng ăn thịt và phải khiêm nhường, hiện giờ tuần lễ trước Mùa Chay thường đông đúc, ồn ào, vui vẻ với rất nhiều món ăn linh đình.
Truyền thống Tuần lễ Maslenitsa
Trọng tâm chính của lễ hội Maslenitsa là đốt hình nộm Mùa Đông làm bằng rơm. Ngay cả trẻ nhỏ cũng biết truyền thống này, nhưng không phải ai cũng biết các ngày trong tuần Maslenitsa được tổ chức như thế nào.
Thứ Hai – Ngày gặp gỡ
Trong ngày thứ Hai, theo truyền thống người ta làm bù nhìn rơm và rước nó trên các đường phố. Từ ngày này, lễ hội bắt đầu được tổ chức, gồm những cuộc dạo chơi đông đúc, ngồi xe trượt từ những ngọn đồi đắp bằng tuyết. Tất nhiên, vào ngày này mọi nhà bắt đầu rán bánh xèo.
Dân Nga phát bánh xèo cho người nghèo để tưởng nhớ những người thân đã khuất. Trong ngày thứ Hai, thông thường người ta đến nhà nhau để hẹn bàn các ngày trong tuần gặp nhau ở đâu và sẽ tổ chức ăn mừng Maslenitsa như thế nào.
Thứ Ba – Ngày xem mặt
Ngày thứ Ba thường diễn ra lễ xem mặt. Vào ngày này, các chàng trai gặp các cô gái để chọn người vợ tương lai cho mình. Điều này được thực hiện để có thể kết hôn sau khi Mùa Chay kết thúc.
Thứ Tư – Ngày ăn ngon
Đây là ngày mà mẹ vợ thết đãi con rể. Trong ngày thứ Tư, mẹ vợ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tỏ lòng tôn trọng sâu sắc đối với chồng của con gái mình.
Ngày thứ Tư cũng chính là lúc kết thúc lễ Maslenitsa trong phạm vi hẹp, từ thứ Năm trở đi nhà nhà nghỉ việc và bắt đầu lễ Maslenitsa mở rộng.
Thứ Năm – Ngày ăn chơi
Từ ngày thứ Năm, các lễ hội chính của Tuần Maslenitsa bắt đầu. Trong ngày này, người Nga tụ tập, tổ chức các trò chơi vui nhộn, trượt băng, hát múa các bài dân gian. Trò thú vị chính là "Đánh chiếm thành phố tuyết".
Người chơi chia thành hai đội, một đội bảo vệ, đội thứ hai cố gắng tấn công để chiếm thành. Thời xưa, trò chơi này thường kết thúc bằng cảnh máu me nên dần dần bị cấm. Ngày nay, người ta thay thế bằng trò leo cột mỡ rất vui nhộn.
Thứ Sáu – Ngày mẹ vợ
Đây là ngày mà các bà mẹ vợ bắt đầu đi thăm con rể. Chồng con gái tự tay rán bánh xèo và chăm sóc mẹ vợ bên bàn tiệc. Con rể làm tất cả mọi điều để tỏ lòng kính trọng và biết ơn mẹ vợ.
Thông thường, mẹ vợ không đến thăm con rể một mình, mà mời các bạn gái đi cùng, để họ có thể đánh giá và khen ngợi các món thết đãi của anh ta.
Thứ Bảy- Ngày chị em dâu
Vào ngày này, người vợ trẻ mời các chị em dâu và gia đình của họ đến thăm nhà mình. Nữ chủ nhân sắm sửa các món ăn thịnh soạn và các món quà như ren, ruy bang và chuỗi hạt cườm.
Cũng trong ngày này, nhà thờ làm lễ tưởng nhớ các Thánh, ngợi ca cuộc sống thương khó của họ.
Chủ Nhật- Ngày tha thứ
Đây là ngày kết thúc lễ hội. Trong ngày này, người thân trong gia đình và người quen xin người khác tha thứ cho lỗi lầm của mình. Câu trả lời bắt buộc cho lời đề nghị như vậy là "Chúa sẽ tha thứ". Vào ngày này người ta cũng đi tắm hơi, giải quyết thức ăn thừa ngày lễ và rửa chén bát.
Kết thúc kỳ lễ Maslenitsa là tiết mục đốt hình nộm rơm để tống tiễn mùa Đông. Tro bù nhìn bị đốt cháy được rắc trên cánh đồng để cầu cho vụ mùa bội thu. Tối Chủ nhật được coi là khởi đầu Tuần Chay, nhà thờ tổ chức lễ trọng.


Món ăn chính trong lễ Maslenitsa
Bánh xèo (blin) là món ăn truyền thống trong dịp lễ Maslentsa, từng được người Nga sử dụng từ thời xa xưa, trước khi tiếp nhận Ki tô giáo. Thời nay, bánh xèo được làm từ bột mì, nhưng xưa kia bánh chủ yếu được làm từ bột kiều mạch. Hiện giờ, đôi khi người ta thường cho thêm kakao vào bột nên bánh xèo có màu sô cô la. Một số đầu bếp còn dùng bánh xèo làm thành bánh ga tô.
Nhân bánh xèo phổ biến thường là mật ong, kem tươi hoặc bơ. Trên mạng Internet, bạn có thể sử dụng vô số công thức nhân bánh xèo: trái cây, phô mai tươi, thịt, cá, và tất nhiên là trứng cá muối.
Thời xưa, đồ uống phổ biến nhất trong lễ Maslenitsa là rượu mật ong. Trong thế kỷ XX, vào những ngày đưa tiễn mùa Đông, ở nông thôn cũng như thành thị, người dân uống trà đen để sưởi ấm.
Những điềm báo trong kỳ lễ Maslenitsa
Theo truyền thống, Maslenitsa phải được tổ chức rất vui vẻ và linh đình. Mọi người không tiếc tiền để thết đãi nhau. Người ta cho rằng ăn mừng Maslenitsa như thế nào thì năm sẽ trôi qua như thế.
  • Nếu bánh xèo của nữ chủ nhân đẹp và ngon thì năm đó mọi việc sẽ tốt đẹp, vụ mùa giàu có và thịnh vượng.
  • Nếu bánh xèo bị dính, không róc chảo, năm tới sẽ rất nhiều rắc rối và không may mắn.
  • Càng nhiều bánh trong kỳ lễ Maslenitsa thì trong nhà càng sung túc, càng giàu có. Nếu có ít bánh xèo thì vụ thu hoạch sẽ rất tệ.
  • Mỗi chiếc bánh xèo được bà chủ gắn liền với mặt trời. Vì lý do này, mỗi chiếc bánh là một ngày nắng đẹp. Nếu bà nội trợ rán càng nhiều bánh, trong năm tới càng nhiều ngày có nắng.
  • Nếu đêm trước ngày lễ trời đổ mưa, thì mùa thu sẽ nhiều nấm, nếu có đợt rét ngọt, mùa hè sẽ không nóng và vụ mùa sẽ bội thu.
  • Người nào keo kiệt trong kỳ lễ Maslenitsa, người đó sẽ bị phá sản trong năm đó. Người ta cho rằng những vị khách bất ngờ trong mùa lễ Maslenitsa sẽ mang đến may mắn hạnh phúc.
  • Nếu bạn ném đồ cũ trong dịp Maslenitsa, năm nay bạn sẽ có quần áo mới.
  • Nếu tại lễ hội một người nào đó có thể tha thứ cho bạn, thì người đó có thể mang lại một cái gì đó mới mẻ trong đời sống cá nhân của mình.
Bói toán trong kỳ lễ Maslenitsa
Trong kỳ lễ, mọi người thường dùng chiếc bánh xèo đầu tiên để bói điều gì đang chờ đợi mình trong một năm, cho đến kỳ lễ hội tiếp theo:
    • Nếu bánh xèo rất dễ lật giở trong chảo thì trong năm tới cô gái sẽ kết hôn.
    • Nếu bánh xèo bị dính vào chảo - cô gái sẽ sống trong nhà của cha mẹ ba năm tới.
    • Nếu vành ngoài của bánh xèo bằng phẳng, cuộc hôn nhân sẽ hạnh phúc.
    • Nếu vành ngoài của bánh xèo bị rách và không đều nhau - cô gái phải suy nghĩ xem có nên lấy người đàn ông mà cô đang định kết hôn hay không.
    • Nếu chiếc bánh xèo phồng ở giữa thì người chồng sẽ chung thủy.
    • Nếu bánh xèo phồng một bên, chồng sẽ ngó sang nhà hàng xóm.
    • Có bao nhiêu lỗ trên bánh xèo thì trong nhà sẽ có bấy nhiêu đứa con được sinh ra.
    • Nếu bánh xèo rán có màu vàng ươm và đẹp mắt – gia đình sẽ khỏe mạnh, nếu bánh nhợt nhạt – sẽ có người ốm đau.
    • Bánh xèo mỏng - cuộc sống dễ dàng, bánh xèo dầy - công việc khó khăn vất vả.

    Bói hôn nhân và tình yêu qua bánh xèo
    Để thực hiện công việc bói toán này, các cô gái tập trung lại với nhau để rán bánh xèo.
    Các loại nhân cho bánh xèo là mù tạt và mật ong (cũng có thể rưới thịt bằng mù tạt), sữa đặc, quả mâm xôi và trứng cá đỏ. Sau khi bánh xèo được rán xong, phải gọi người không tham gia bói toán đến giúp đỡ. Người đàn ông này không nhìn vào bánh xèo và phân phát bánh cho các cô gái. Mỗi cô gái lấy chiếc bánh đầu tiên và kiểm tra xem nhân gì ở bên trong. Nếu được chiếc bánh xèo nhân mật ong, rất có thể cô gái sẽ sớm kết hôn. Nếu được chiếc bánh xèo với sữa đặc thì hãy chờ đợi đứa trẻ ra đời.
    Nếu nhân bánh là mù tạt – sẽ có sự chia ly cay đắng với người yêu, nếu nhân là quả mâm xôi – sẽ có tình yêu nồng nàn và bất ngờ. Nếu cô gái được chiếc bánh xèo nhân trứng cá đỏ thì năm đó sẽ mang lại cho cô nhiều tiền, nhưng trong tình yêu sẽ không có điều gì tốt đẹp.


    Made on
    Tilda