Sputnik Vietnam
Alexey Suynnerberg
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt người Nga
Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, hẳn là thích hợp để cùng ôn lại cuộc gặp đầu tiên của lãnh tụ cách mạng Việt Nam với người Nga, cũng vào tháng 5, nhưng là năm 1954 và trên mảnh đất Việt.
Trong những tháng năm trước đó, đã có vô số cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người Nga, nhưng chỉ trên đất Liên Xô, nơi nhà cách mạng với danh tính Nguyễn Ái Quốc nhiều lần đến thăm từ năm 1923 và sống, làm việc tổng cộng hơn sáu năm, rồi trở lại vào những năm 1950 và 1952 khi đã trên cương vị là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

1
Cũng là máy bay nhưng rất khác nhau
Vào tháng 5 năm 1954, vài tuần lễ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu gặp gỡ các sứ giả của nước Nga là ba nhà quay phim Matxcơva, và địa điểm cuộc gặp lịch sử là trên đất Việt Nam. Như ông Roman Karmen đứng đầu nhóm quay phim nhớ lại sau đó, Chủ tịch Việt Nam đã dành nhiều hỗ trợ cho công tác tổ chức quay phim kéo dài suốt sáu tháng, cho đến tận thời điểm Hà Nội được giải phóng. Vị Chủ tịch bận trăm công nghìn việc quốc gia đại sự nhưng vẫn luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn của các nhà điện ảnh Matxcơva. Để ra mắt, nhóm chuyên gia này giới thiệu tại Việt Nam «tấm danh thiếp» là bộ phim do họ thực hiện về cuộc mit-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 và cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ Matxcơva. Ông Roman Karmen nhớ mãi những lời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thốt lên sau khi xem phim:
«Chúng ta vừa xem những chiếc máy bay tuyệt đẹp. Chúng tôi thường thấy máy bay trên bầu trời nước Việt, nhưng đó là máy bay của kẻ thù và chúng tôi căm ghét. Còn máy bay Liên Xô là những cánh chim câu của hòa bình. Tôi tin chắc rằng sắp tới những cánh chim hòa bình này sẽ sớm bắt đầu đưa những người bạn trung thành từ Matxcơva đến đất nước chúng tôi, để giúp đỡ cho công việc sáng tạo của chúng tôi».


Chủ tịch Hồ Chí Minh
Và đúng là như vậy. Cùng trong năm 1954, các chuyên gia Nga trong ngành công nghiệp than và nông nghiệp, giảng viên cho trường cơ khí điện máy đã được cử sang phục vụ tại Việt Nam DCCH. Còn từ cuối năm 1954, các thủy thủ trên những con tàu Xô-viết bắt đầu vận chuyển hàng viện trợ cung cấp cho nhân dân Việt Nam.

2
Đêm trong Phủ Chủ tịch
Cuối tháng 10 năm 1954, Đại sứ quán Liên Xô làm việc tại Hà Nội.
Hoạt động đầu tiên của cơ quan đại diện ngoại giao này là buổi tiếp tân trọng thể vinh danh ngày lễ 7 tháng 11.
Đây cũng là cuộc chiêu đãi ngoại giao đầu tiên do một đại sứ quán nước ngoài tổ chức nhân lễ quốc khánh của đất nước mình tại thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng. Theo hồi ức của thông dịch viên trẻ tuổi của Đại sứ quán Liên Xô – sau này là chuyên gia Nga cựu trào nhất về văn học Việt Nam, Giáo sư Nikolai Nikulin, - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép dùng nhà bếp tuyệt vời trong Phủ Chủ tịch – nguyên là tòa dinh thự của Toàn quyền Pháp – làm nơi chuẩn bị các món ẩm thực chiêu đãi.
Vào lúc công việc nấu nướng đang ở cao trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm. Nhà lãnh đạo hỏi chuyện mấy đầu bếp Matxcơva và Nikolai Nikulin bắt đầu dịch. Sau đó, Chủ tịch hỏi xem Nikolai đã được bố trí chỗ nghỉ đêm trong dinh Chủ tịch hay chưa. Phiên dịch viên trẻ thưa rằng anh sẽ về tạm trú tại nhà tập thể của Sứ quán.
«Thế không ổn, - Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đã khuya rồi, và trong khu dinh cơ này chắc chắn sẽ có chỗ dành cho một người bạn Liên Xô».
Nikolai Nikulin được cần vụ đưa đến nghỉ tại khu biệt thự sang trọng, trước đây chỉ dành riêng cho các tướng lĩnh Thống đốc Pháp, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chưa bao giờ dùng đến.




3
«Tôi đã được ở bên Bác Hồ trong lễ trồng cây»
Còn thêm một thanh niên Matxcơva khác, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội là Evgeny Kobelev đã có cơ may hiếm có khi tham gia Ngày lao động Chủ nhật trồng cây ở hồ Bảy Mẫu vào năm 1959.

«Thật là hoàn toàn bất ngờ, - ông Evgeny Kobelev nhớ lại trong cuộc phỏng vấn của Sputnik – trong số các thành viên tham dự Ngày Chủ nhật lao động Cộng sản này có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ nói mấy câu vui đùa ấm áp và Người đứng ngay cạnh tôi, bắt đầu cầm xẻng xới đất. Bây giờ, mỗi lần có dịp chạy xe ngang qua Công viên Thống Nhất, tôi luôn nhớ lại những giây phút được trồng cây cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh», - TS Kobelev nói.

4
Trong ảnh phải có đủ mọi người cùng nhau
Anh hùng Nga, phi công Sergei Somov, trong 6 tháng cuối cuộc chiến chống bọn phát-xit Đức Quốc xã đã thực hiện 118 chuyến xuất kích thành công.
Và sau đó, còn thêm vài chục chuyến bay nữa, vào đầu những năm 60, từ sân bay Hà Nội.
«Chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển hàng viện trợ quân sự cho Mặt trận Yêu nước Lào và đưa thương binh từ đó sang Hà Nội điều trị, - phi công kể trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. – Không chỉ một lần máy bay chúng tôi được chở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến công tác khắp nước Cộng hòa. Sau một chuyến đi như vậy, tôi xin Chủ tịch Việt Nam chụp ảnh cùng với nhóm phi công Liên Xô và Chủ tịch vui lòng cho phép. Khi bức ảnh đã được chụp và mọi người bắt đầu tản ra, bỗng Chủ tịch ngăn chúng tôi lại bằng câu nói như sau:
«Nhưng nhiếp ảnh gia vắng mặt trong bức ảnh này! Nào chúng ta hãy chụp lại lần nữa, cùng với đồng chí ấy!». Tôi sẽ không bao giờ quên sự quan tâm tinh tế của con người vĩ đại này».
ông Sergei Somov chia sẻ.
Gặp gỡ các chuyên gia Liên Xô. Đại tá Somov S.A. (ở hàng đầu tiên, thứ 3 bên trái). Sân bay Gia Lâm. Hà Nội. 1961

5
Bộ bàn ghế của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng họa sĩ Nga
Họa sĩ Alexei Kuznetsov từ Petersburg đã được Bộ Văn hóa Liên Xô gửi đi công tác tại Việt nam Dân chủ Cộng hòavào năm 1960 để giúp tổ chức thành lập một trường nghệ thuật quốc gia. Chuyến công tác kéo dài trong hai năm, với kết quả: hàng chục bức tranh phong cảnh, chân dung của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, nông dân và sinh viên.
Đối với Aleksei Kuznetsov, bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tác phẩm đặc biệt thân thương, gần gũi với trái tim mình. Ônglàm việc với tác phẩm trong nhiều ngày, ngồi đối diện với Người trong khu vườn Phủ Chủ tịch.
Bác Hồ ngồi cạnh chiếc bàn tre, làm việc với tài liệu, hút thuốc, thỉnh thoảng hỏi ông bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Alexei Kuznetsov biết rõ:
"Bạn không mệt chứ, đồng chí họa sĩ"?
Thành quả của những cuộc giao tiếp giữa hai người là một số bức chân dung và phác họa.
Một phần tác phẩm, họa sĩ để lại trong các bảo tàng của Việt Nam. Alexei Kuznetsov là một trong những họa sĩ bậc thầy đầu tiên của Liên Xô được trao tặng Huân chương Hữu nghị Việt Nam. Trước khi trở về quê hương, ông đã nhận được món quà từ Chủ tịch Hồ Chí Minh,chính là bộ bàn và ghế mà Bác thường ngồi trong các buổi vẽ tranh. Trong gia đình họa sĩ, bảo vật này được lưu giữ cẩn thận.

6
Trời nóng bức không cần đóng bộ
Nhà ngoại giao Nga Evgeny Glazunov, hiện là Chủ tịch danh dự của Hội Hữu nghị Nga-Việt,dặc biệt nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 1963, khi vị lãnh tụ của nước chủ nhà đã thực hiện một thay đổi cơ bản trong thể thức ngoại giao sở tại.
Từ tháng 4 đến tháng 10, đã cho phép sử dụng kiểu quần áo mới khá đơn giản. Thay vì bộ đồ veston với cà-vạt gút chặt thật bất tiện với người châu Âu trong thời tiết nắng nóng hầm hập ở Việt Nam, Chủ tịch thậm chí đã cho phép mọi người được mặc áo sơ-mi ngắn tay trong các lễ giao tế Nhà nước.
Tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài đều biết ơn Chủ tịch vì sự cảm thông nhạy bén này.

7
Có nên để con rể giết mẹ vợ hay chăng?
Ông Grigory Lokshin, hiện là chuyên gia hàng đầu của Nga về các vấn đề ASEAN, hồi những năm 60 ở Hà Nội đã nhiều lần làm nhiệm vụ dịch thuật trong các cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại diện Xô-viết.
Cả những cuộc đàm phán làm việc, cả những cuộc giao lưu hữu nghị.
Có lần một đại diện Liên Xô kể chuyện đùa: «Liệu có thể giết mẹ vợ bằng một nùi bông? Có thể đấy, nếu là nùi bông bọc sắt. Ví dụ, nếu bông bọc cái bàn là». Ông Lokshin nhớ lại: «Tôi đã dịch nguyên văn. Không một ai trong số những người Việt hiện diện ở đó mỉm cười.
Người kể chuyện nhìn tôi với vẻ khó chịu, có lẽ nghi ngờ khả năng tiếng Việt của tôi. May quá, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cứu tôi đúng lúc.
«Đừng giận phiên dịch viên, - Chủ tịch nói luôn bằng tiếng Nga – cậu ấy đã dịch đúng tất cả. Vấn đề là ở chỗ người Việt Nam không hiểu ẩn dụ chính trong chuyện kể: sao lại giết mẹ vợ chứ? Trong gia đình chúng tôi, quan hệ của mẹ vợ và con rể hoàn toàn khác so với ở Nga.
Mẹ vợ luôn quý trọng con rể, còn con rể thì không hề nghĩ đến chuyện làm mẹ vợ phật lòng, chứ đừng nói đến việc giết chóc».

8
Khẩu súng lục của Chủ tịch trong Bảo tàng Matxcơva
Thiếu tướng Grigory Belov có bảy lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những năm 1965-1967, khi ông là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.
Vào thời gian đó, Matxcơva bắt đầu cung cấp cho các đơn vị QĐND Việt Nam những dàn tên lửa hỏa lực là phiên bản rút gọn của pháo «Katyusha» lừng danh trong cuộc chiến chống quân phát-xit Đức. Dàn pháo không gắn trên xe tải, như hồi ngoài mặt trận chiến đấu với bọn Quốc xã, mà là trên giá ba chân, và có thể gọi là phiên bản «Katyusha» vác vai cơ động.
Lần đầu tiên các «Katyusha» này được đưa đến Hà Nội vào mùa hè năm 1966. Trước khi vận chuyển tiếp vào miền Nam đã tiến hành cuộc bắn đạn thật để báo cáo với ban lãnh đạo quân sự của Việt Nam DCCH. Tổng cộng 12 bệ pháo cần nã đạn bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 8 km.
Vào thời điểm ấn định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã đến địa điểm tiến hành cuộc bắn, sau đó một chiếc ô tô «Pobeda» tiến tới gần và Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra khỏi xe.
Trong vòng 15 phút, 144 phát hỏa tiễn đã được phóng ra trúng các mục tiêu giả định. Khi những tiếng đạn pháo dịu đi, tất cả mọi người do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đi đến tận điểm vụ nổ.
«Tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy giống như cơn ác mộng, - tướng Belov viết trong hồi ký. Đất bị cày thành rãnh sâu, công sự bê-tông cốt thép, mô hình máy bay trực thăng và xe bọc thép bị phá tan tành và cháy rụi».
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gần tướng Belov và nói lời cảm ơn vì cuộc phô trương sức mạnh của vũ khí Xô-viết, đồng thời nhờ chuyển đến Matxcơva nguyện vọng nhanh chóng được cung cấp thiết bị mới dành cho những người anh em ngoài mặt trận chống Mỹ. Mong ước đó đã được thực hiện. Một năm sau, khi tướng Belov trở về quê hương Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước Việt Nam và nhân danh cá nhân trao cho vị tướng Liên Xô một khẩu súng lục. Ngày nay, có thể thấy khẩu súng này ở Matxcơva, trong Viện Bảo tàng trung ương của Lực lượng Vũ trang Nga.

9
Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối nhận Huân chương Liên Xô?
Năm 1967, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, lãnh đạo Liên Xô có chủ trương trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm Huân chương Lênin – phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước Xô-viết.
Phúc đáp từ Hà Nội thật ít ai ngờ. Chân thành cảm tạ sự đánh giá cao dành cho hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng chừng nào cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Mỹ còn đang tiếp diễn, chừng nào đất nước Việt Nam còn bị chia cắt, Chủ tịch thấy mình không có quyền nhận phần thưởng như vậy. Chờ khi nào đất nước Việt Nam thống nhất, tự Người sẽ nhắc các bạn Liên Xô về quyết định tặng Huân chương.
Trong bộ máy BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi khởi sinh ý tưởng tặng Huân chương, người ta lấy làm khó hiểu cử chỉ này của vị Chủ tịch Việt Nam - nhà ngoại giao Nga Rashit Khamidulinn nhớ lại.

«Tôi được triệu tập đến Bộ Ngoại giao, nơi tôi đang công tác và có cuộc điện thoại từ BCH TƯ, yêu cầu giải thích về quyết định của nhà lãnh đạo Việt Nam. Tôi đáp rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích rõ ràng lập trường của mình, và đối với tôi quan điểm như vậy là hoàn toàn hợp lý, không chỉ xứng đáng được tôn trọng, mà còn đáng ngưỡng mộ»
ông Rashit Khamidulinn cho biết.
Made on
Tilda