"Đó là một địa ngục thực sự"

Việt Nam trải qua cuộc tấn công hóa học của Mỹ như thế nào?

Andrei Veselov
Vào những năm 1960, các lực lượng vũ trang có nhiệm vụ thực hiện chiến dịch mang tên Ranch Hand đã rải chất độc đioxin lên 10% lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Đây là vụ sử dụng vũ khí hóa học có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Mục tiêu chính thức của chiến dịch này là chiến đấu chống lại du kích Việt Nam, nhưng hậu quả phải gánh chịu cuối cùng lại hầu hết là những người dân thường.Nhiều người đã bị chết. Những người còn sống sót bị mắc những chứng bệnh không bao giờ có thể chữa khỏi.
Và con cái họ sinh ra què quặt, dị dạng. Phóng viên của Sputnik, ông Andrei Veselov đã gặp gỡ với những người dân Việt Nam từng trải qua cơn ác mộng của chất độc đioxin.
Aids hóa học
Vũ khí chính giết người hàng loạt chính mà trong cuộc chiến tranh này Mỹ gọi là "Chất độc màu da cam" có chứa mutagen đioxin vô cùng nguy hiểm. Vì chất độc này được vận chuyển trong những chiếc thùng có màu da cam, vì thế mới xuất hiện tên gọi "chất độc màu da cam". Nhà sản xuất là công ty Monsanta, nhà thầu cung cấp hàng hóa cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngày nay, công ty này là một trong những nhà cung cấp hạt giống cho các sản phẩm biến đổi gen GMO lớn nhất.
"Chất độc màu da cam" được rải trên những khu rừng rậm ở Việt Nam, để du kích không còn chỗ ẩn nú.

Máy bay Mỹ phun chất độc da cam lên miền Nam Việt Nam. Năm 1966 © AP Photo / Department of Defense
Trong vòng 10 năm, người Mỹ đã rải xuống từ máy bay 80 triệu lít chất độc màu da cam, đầu độc đất đai, sông ngòi.
Chất đioxin khi vào cơ thể gây ra rối loạn các quá trình trao đổi chất, các bệnh ung thư, ức chế và phá hỏng hệ miễn nhiễm, dẫn tới tình trạng gọi là aids hóa học. Và gây ảnh hưởng kinh khủng về di truyền.
Trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc màu da cam khi sinh ra đã bị dị dạng, đầu méo mó, không có mắt, mũi hay cụt tay chân. Trong trường hợp nhẹ nhất các em bị mắc chứng mất trí.
«Ngay từ đầu người Mỹ đã biết về những hậu quả của chất độc màu da cam, mặc dù liên tục nói dối rằng chất độc này không có hại với con người, mà chỉ làm chết rừng- tướng về hưu Nguyễn Văn Rinh, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam/đioxin có trụ sở tại thành phố Hà Nội cho Sputnik biết — Người Mỹ cũng biết rằng những người nông dân bình thường sẽ trở thành nạn nhân chính. Còn những người du kích sẽ rời những vùng bị rải chất độc. Nhưng nông dân thì luôn gắn bó với nhà cửa, gia đình, ruộng vườn. Thực chất đây là một hành động hù dọa».
.
«Máu chảy khắp nơi»
Nguyễn Đặng Trí từng đi bộ đội và là sĩ quan cấp dưới. Từng tham gia các trận chiến với quân Mỹ. Một lần quân của ông bắt được tên phi công Mỹ. Tên phi công này nhảy dù từ một chiếc máy bay bị trúng đạn, khi chạm đất hắn bị gẫy chân và cột sống. Những người lính Việt Nam đã sơ cứu cho người lính Mỹ và đưa tới trụ sở chỉ huy.
«Chúng tôi không làm điều gì hại cho anh ấy cả, nhưng tôi nói thật là nhiều người trong số chúng tôi rất giận dữ», — ông kể.
Liều chất độc dioxin mà ông Đặng Trí nhận được không phải trên mặt trận, mà khi trở về làng mình.
"Tôi nằm vài ngày trong tình trạng mê sảng. Da tôi lở loét, mưng mủ, toàn một chất nhầy nhầy. Máu chảy ra từ khắp nơi trên người, từ tất cả các lỗ trên cơ thể. Tôi không bị thương khi chiến đấu. Nhưng tôi bị ngộ độc ngay tại nhà mình», ông nhớ lại.
Sau đó mới là những tháng ngày khủng khiếp nhất.

«Đó không phải là cuộc sống, mà là địa ngục thực sự», —thành viên tham gia Hội nạn nhân chất độc màu da cam/đioxin nói.
Đứa con đầu của Đặng Trí chết ngay khi đẻ ra vì những biến đổi gen quá nặng. Đứa con thứ hai cũng dị dạng và không sống quá một tuổi. Đứa con thứ ba, Tuấn, giờ đã ngoài 40, không biết đi và không nói được. Chân tay anh yếu ớt, hầu như không co duỗi được. Hầu như cả ngày anh nằm trên giường, cạnh giường bố mẹ. Thậm chí ăn cũng không tự ăn được.
Nguyễn Văn Tuấn, con trai của Đặng Chi và Nguyễn Thi, nạn nhân chất độc da cam.
«Tôi rất biết ơn vợ mình. Cô ấy có thể bỏ tôi đi tìm một người chồng khỏe mạnh và sinh con. Nhưng cô ấy ở lại với tôi», —vị cựu sĩ quan chia sẻ.
Và đứa con thứ tư cũng sống sót. Quý đã lớn, nhưng về trí tuệ thì chỉ giống như một em bé học phổ thông. Cậu không thể tập trung vào việc gì hơn một phút, suốt ngày đi lang thang trong làng. Lúc nào cũng cười một mình. Sau khi mời chúng tôi uống trà trước khi từ biệt, chị Thi Nguyễn tặng chúng tôi một túi cà chua trồng trong vườn nhà «Cà chua ngon lắm», — chị nói.
«Chồng tôi không thể thấy điều đó»
Phạm Thị Hằng đón chúng tôi ở cửa nhà. Chồng chị cũng bị nhiễm chất độc màu da cam. Vợ chồng chị sinh được 4 đứa con, và cả bốn đều bị dị dạng. Ba cậu con trai là Bảo, Ban và Đặng, cũng giống như đứa con cả của gia đình chị Nguyên, không biết đi và không biết nói. Cả ngày chúng nhìn vào điểm vô hình, lắc lư người và phát ra những tiếng rên rỉ khó hiểu.
Phải có người cho ăn, rửa ráy, mặc quần áo, để ý cả ngày để bọn trẻ không bị ngã hay chấn thương.
Chồng chị Hằng, anh Bình bị nhiễm chất độc màu da cam khi đang làm đồng. Theo lời kể của hàng xóm, sau khi đứa con thứ ba ra đời bị dị dạng, anh đã vài lần định tự tử, đánh đập vợ, mặc dù trước đó là người tốt và hiền lành.
"Anh ấy uống rượu rồi bỏ nhà đi nhiều ngày, không muốn nhìn thấy con mình như vậy. Sau đó anh ấy đâm ra nát rượu nhiều rồi chết"», — chị Hằng kể lại.
Đứa con út là con gái, tên Dung, cũng sinh ra không bình thường, nhưng biết đọc, biết viết và học xong phổ thông, sau đó bán hàng ngoài chợ.
Mặc dù Dung chết sớm nhưng sinh được hai đứa con, bé gái tên Phương và bé trai tên là Vui. Hai anh em hoàn toàn khỏe mạnh.


«Đây là tương lai của gia đình tôi, tương lai của tôi, tương lai của người chồng đã quá cố của tôi. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy chỉ vì các cháu», — chị Hằng vừa khóc vừa nói.
Chúng tôi trở lại trụ sở của Hội nạn nhân chất độc màu da cam/đioxin ở Hà Nội. Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Rinh lấy các cuốn sổ thống kê đặt trên bàn.
«3 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc này! Hiện nay 1 triệu người Việt Nam bị tàn tật. Các bạn cũng biết, các tổ chức quốc tế cho tới giờ vẫn chưa công nhận đây tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại nhân loại», — ông Rinh phẫn nộ chia sẻ.
«Chúng tôi giữ liên lạc với các cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc đioxin, — ông kể tiếp — Tòa bắt phải trả tiền bồi thường cho họ.
«Nói khác đi, tội ác được công nhận về mặt luật pháp và đã được chứng minh! Chỉ có điều là tòa án Mỹ từ chối các nạn nhân Việt Nam, đối với họ, chúng tôi là người loại hai».
Made on
Tilda