Sputnik Việt Nam
KERENSKY: "TÔI CHỈ CÓ HAI NHƯỢC ĐIỂM: TRÍ NHỚ KÉM VÀ CÁI GÌ ĐÓ NỮA"
Những ngày tháng Bảy năm 1917, Chính phủ lâm thời do nhà cách mạng xã hội Aleksandr Fyodorovich Kerensky đứng đầu. Tạo dựng sự nghiệp giữa lúc cơn bão cách mạng xoay vần là việc không chắc chắn. Đặc biệt nếu như cần liên tục linh hoạt di động giữa bờ phải và bờ trái. Những người phản đối tân Thủ tướng đông không đếm xuể. Cả những người theo chế độ quân chủ, cả những thành viên phái tự do đều đua nhau vẽ tranh biếm họa về nhà lãnh đạo mới. Và đương nhiên có nhiều cây bút Bolshevik. Sau tháng Mười, họ đồng loạt công khai nhạo báng cựu Thủ tướng.

Aleksandr Kerensky
Phổ biến nhất là câu chuyện hài hước, kể rằng dường như Kerensky đã phải chạy trốn khỏi Cung điện Mùa đông, giả trang trong bộ váy áo đàn bà. Tuy nhiên, còn có nhiều chuyện hư cấu khác, rằng ông mơ ước chiến đấu đến người lính Nga cuối cùng, rằng ông là kẻ hèn nhát, ngẫu nhiên tham gia cách mạng.
Alexander Kerensky năm 1917 là người đứng đầu Chính phủ lâm thời. Petrograd. Ảnh năm 1907.
Những câu chuyện về tình bạn giữa Kerensky và Ulyanov ở Simbirsk là có thật, nhưng dù vậy Aleksandr Fedorovich tốt nghiệp không phải ở trường trung học Simbirsk như Lenin, mà là ở Tashkent – nơi gia đình ông chuyển đến. Và ông tốt nghiệp xuất sắc, với tấm Huy chương vàng. Tại Khoa Lịch sử-Triết học của Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg lần đầu tiên ông vùi đầu nghiên cứu chính trị.
Và mê say đến nỗi bị buộc phải tạm thời nghỉ học. Khoảng thời gian đó đã có ích cho ông, bởi khi trở lại trường đại học, Kerensky không chỉ chuyển khoa, sang học ngành Luật, mà còn nghiêm túc tham gia nghiên cứu chuyên môn. Vốn là người có năng khiếu thiên bẩm, ở đó Kerensky đã nhận bằng tốt nghiệp bậc nhất.
Rời trường Đại học Tổng hợp, một lần nữa ông đi vào chính trị, kết hợp với hoạt động hành nghề luật.
Danh tiếng lừng lẫy toàn Nga đến với Kerensky khi ông lãnh đạo Ủy ban đặc biệt của Viện Đuma trong liên quan với vụ nổ súng Lena. (Vụ nổ súng Lena là sự kiện bi thảm vào ngày 4 tháng Tư năm 1912, tại khu mỏ vàng của Hiệp hội Khai thác Vàng Lena, nằm trong vùng lân cận thành phố Bodaibo trên các chi lưu của sông Lena, Vitim và Olekma. Thợ đình công và quân đội Chính phủ nổ súng trấn áp, theo ước tính khác nhau, có từ 250 đến 500 nạn nhân, trong đó 150-270 người chết). Dựa trên cơ sở kết luận của Ủy ban, đã tái tổ chức ban quản lý mỏ, những nhân vật chỉ huy vụ bắn giết bị bắt giữ, điều kiện sống và làm việc trong các mỏ được cải thiện, còn mức lương của thợ được tăng thêm. Từ đó cho đến tháng Hai năm 1917, Aleksandr Fyodorovich đã kịp nói nhiều lời lỗ mãng khó nghe phê phán chính quyền và gây cho nhà chức trách không ít rắc rối.
Ảnh: Sputnik (Ria Novosti)
Có bằng chứng cho thấy Kerensky thậm chí đã yêu cầu khủng bố, nhưng đ nghị của ông đã bị gạt đi bởi chính Azef người lãnh đạo tổ chức chiến đấu của đảng Xã hội cách mạng đồng thời làm việc trong đội Cảnh vệ của Sa hoàng.
Không rõ cơ cấu nào của đảng đã tỏ ra không tin cậy Kerensky, nhưng dù sao chăng nữa lời từ chối này đã cứu ông khỏi cảnh tử thương hoặc ngồi tù. Nói cách khác, ông không phải là kẻ hèn nhát, mà cũng không phải là "con người tình cờ" đối với cuộc Cách mạng Nga.
Cũng không xác thực chuyện sau khi nhận cương vị đứng đầu Chính phủ lâm thời, Kerensky đã muốn tiến hành chiến tranh cho đến thắng lợi cuối cùng. Hiện hữu vấn đề khác, là khi mong muốn hòa bình, ông không biết làm thế nào để đạt tới điều đó. Đến cuối cuộc chiến, ông đi theo đường lối hòa bình phân lập. Và giả như không có Tháng Mười, biết đâu ông còn vượt trội hơn Lenin trong hướng này.

Kerensky đã hy vọng thành lập Quốc hội. Sau khi thành Thủ tướng, ông đã lập tức xúc tiến những gì mà phái dân chủ lập hiến không muốn làm – là đẩy nhanh việc tổ chức bầu cử.
Cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917.
Phái dân chủ lập hiến hiểu rằng họ sẽ thua cuộc trong bầu cử, vì vậy hiển nhiên họ không mong muốn điều đó. Chính nhờ Kerensky mà cuộc bầu cử đã diễn ra. Mà xung lực thúc đẩy bầu cử được huy động mạnh đến mức cuộc bỏ phiếu được tiến hành ngay cả sau đảo chính tháng Mười. Chỉ muộn hơn sau đó, khi những người Bolshevik đã củng cố xong quyền lực, Quốc hội mới bị giải thể.
Nhân đây cần nói, trong cuộc bầu cử phái Bolshevik đã bị thua còn đảng Xã hội cách mạng giành phần thắng vượt trội hơn đáng kể. Kết quả cho thấy sự liên kết hiện thực của các lực lượng chính trị ở nước Nga trong thời kỳ này. Nhưng đối với Lenin, chuyện đó không có ý nghĩa gì, không thành vấn đề. Lãnh tụ vô sản được sự bầu chọn của những người cầm súng, mà trong thời cách mạng thì tiếng nói của lưỡi lê mạnh và sắc bén hơn cả.

Kerensky không ra khỏi cuộc đấu tranh chính trị cả sau khi những người Bolshevik đã chiếm Cung điện Mùa Đông, nơi ông bị cáo buộc là phải lén lút chạy trốn. Thực tế thì Kerensky đã ra ngoài để đón gặp đội quân được triệu tập từ mặt trận về. Dù đó là việc vô vọng nhưng mặt khác vị Thủ tướng đã cố tranh đấu đến cùng. Chỉ huy Mặt trận phương Bắc từ chối cấp quân lính cho ông, còn người Cô-dăc Krasnov, mặc dù ủng hộ Kerensky nhưng lại không kéo đến được thủ đô: các binh lính cấp dưới đã không tuân lệnh chỉ huy mà giao kèo ngưng bắn với quân Cận vệ Đỏ.
Chỉ đến năm 1918, khi đã cạn kiệt mọi khả năng cho cuộc tranh đấu thì Kerensky mới ra đi. Nhưng ngay cả trong thời gian sống lưu vong ở phương Tây, ông cũng không tìm thấy tiếng nói chung với bất kỳ ai.
Ảnh: Sputnik (Ria Novosti)
Các đồng minh không quên những nỗ lực của ông để ra khỏi chiến tranh. Lâm vào cảnh cô lập hoàn toàn, Kerensky không ngừng trăn trở, lúng túng trong mê cung những quan điểm chính trị của chính mình. Khi thì ông lên án sự can thiệp của các nước trong phe Hiệp ước Entente, khi thì kêu gọi vận động chống nước Nga Xô-viết. Rốt cuộc vào năm 1968, Kerensky thỉnh cầu Matxcơva xin cho phép trở về Tổ quốc, thậm chí ông đồng ý công nhận tính hợp pháp của cuộc cách mạng XHCN và những thành công của Liên bang Xô-viết. Cuộc thương thảo được tiến hành, nhưng sau lặng dần. Kerensky sống tha hương ở Pháp, Australia, Hoa Kỳ. Ông qua đời năm 1970 vì bệnh ung thư, chống chọi không phải với tử thần mà là với các bác sĩ: Kerensky từ chối các bữa ăn, dứt tung kim truyền ra khỏi ven khi người ta cố gắng tiếp chất dinh dưỡng vào cơ thể bệnh tật gầy yếu.
Giáo hội Chính thống tại Hoa Kỳ không muốn chôn cất Kerensky, bởi các cha cố cho rằng chính con người này đã làm sụp đổ đế chế. Người ta buộc phải chuyển thi hài Kerensky đến Anh, nơi cuối cùng Alexandr Fedorovich cũng được mai táng. Tuy vậy không phải là trong khu phần mộ Chính thống giáo mà là trong một nghĩa trang vô chủ không người coi sóc.
Một nhân vật độc đáo, chính xác là vậy. Nhưng không phải mọi thứ đều là tranh biếm họa.
Chính phủ Lâm thời. Tính cách trong các bức ảnh
Made on
Tilda